Tin Phạm Gia NGƯỜI VIỆT THƯỜNG LÀM GÌ TRONG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN?

02/07/2019 07:26:32

Từ bao đời nay, người Việt vẫn luôn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc trong ngày Tết Nguyên đán.

Về quê ăn Tết

Người Việt Nam có truyền thống mỗi khi năm hết Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, để được khấn vái trước bàn thờ, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên, báo cáo các cụ, các ông bà những điều đã làm được trong cả năm đã qua. 

Người thì lại muốn về thăm nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đặc biệt với những người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, những kỷ niệm gắn liền với giếng nước, sân đình, lũy tre... cả đời chắc không thể quên.

Vì thế, “về quê ăn Tết” đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn trong ngày Tết cổ truyền.

Tỏ lòng hiếu kính tổ tiên

Cũng trong những ngày này, chăm chút, sắp dọn bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà. Mỗi gia đình tuy có một cách bài trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau nhưng tựu chung đều là nơi tưởng nhớ đến những người đã khuất.


Lễ vật dâng cúng ngày Tết thường là cặp bánh chưng xanh, mâm ngũ quả, lọ hoa tươi, hộp bánh, chai rượu… Ngoài ra còn có hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ, với ý nghĩa để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…

Đây chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền từ ngàn xưa.

Xuất hành và hái lộc

Dân gian xưa cho rằng, trong đêm giao thừa hay ngày đầu tiên của năm mới, người chủ gia đình cần “xuất hành”, tức là đi ra khỏi nhà, để đi tìm may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải xem ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… 


Không những vậy, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước, gọi là tục “hái lộc”.

Cành lộc này có thể là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung không có tục hái lộc đầu năm.

Khai bút và xin chữ đầu xuân

Từ lâu, khai bút đầu xuân đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên. Khai bút đầu xuân có thể là dòng chữ ghi họ tên, tuổi, quê quán của người cầm bút hoặc một vài câu thơ được sáng tác ngẫu hứng...

Ngày nay, tuy không còn phổ biến như xưa nhưng nhiều gia đình, nhất là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công. Ngoài phong tục khai bút đầu năm, người Việt còn có một phong tục khác cũng đề cao tinh thần quý chữ. Đó là phong tục Xin chữ đầu năm.

Tục xin chữ đầu năm đã trở thành phong tục và nét văn hóa mỗi độ xuân về. Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. 

Ngày xưa là xin chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Quốc ngữ, với lợi thế thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin. Việc xin chữ đầu năm ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ xuân về Tết đến, từ Nam chí Bắc.

Lì xì mừng tuổi

Ngày Tết, người lớn thường tặng trẻ em một khoản tiền nho nhỏ, bỏ trong một bao giấy đỏ, gọi là “lì xì” với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn hay tượng trưng cho may mắn và tài lộc. 

Theo tích cổ Trung Quốc thì trong “hồng bao” có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hoá thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.


Theo tục lệ ở một số địa phương thì người nhỏ tuổi không mừng tuổi người lớn hơn, vì vừa không đúng ý nghĩa, vừa bị cho là "hỗn". 

Tuy nhiên, ngày nay, tục mừng tuổi đã cởi mở hơn, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà, để chúc tụng may mắn, sức khỏe, bình an. 

Sáng sớm mồng một Tết hay ngày "Chính đán", mọi sinh hoạt ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên chúc Tết ông bà, cô chú bác... và mừng tuổi lẫn nhau.

Chúc bạn sẽ có một mùa Xuân an lành, hạnh phúc!

Theo Minh Châu Vnexpress (Tổng hợp)

  • 0
  • Đăng bởi:
  • 02/07/2019 07:26:32

Gửi Bình Luận